Ông Đoàn Trung Còn sinh năm 1908, là một trong những cư sĩ học giả Phật giáo tham gia công cuộc hoằng pháp tại miền Nam Việt Nam từ rất sớm và tạo được nhiều ảnh hưởng lớn lao trong giới học Phật đương thời. Từ năm 1931, khi mới vừa 23 tuổi, ông đã bắt đầu xuất bản các sách Phật học của mình thông qua Nhà xuất bản Agence Saigonnaise de Publicité vào thời đó. Đến năm 1932, ông thành lập Phật Học Tùng Thơ để có thể tự mình xuất bản kinh sách Phật học. Những đóng góp của Học giả Đoàn Trung Còn trong nền Phật học Việt Nam là rất lớn so với đương thời, tuy không có những công trình nghiên cứu chuyên sâu nhưng bù lại ông đã áp dụng một phương thức hoằng pháp rất hiệu quả thông qua những tác phẩm khá đơn giản, dễ hiểu đối với đa số người bình dân. Hơn thế nữa, bằng cách tự xuất bản các tác phẩm của mình, ông đã lưu hành được các tác phẩm này hết sức rộng rãi, đáp ứng được nhu cầu học Phật của đông đảo người Phật tử vào thời điểm đó. Sau năm 1975, những hoạt động sáng tác cũng như dịch thuật của ông bị đình trệ rõ rệt. Bộ kinh Đại Bát Niết-bàn gồm 42 quyển được ông chuyển dịch và chia làm nhiều tập để xuất bản, nhưng trước năm 1975 chỉ mới in được 2 tập, đến quyển thứ 11. Phần còn lại 31 quyển vẫn còn ở dạng bản thảo viết tay chưa được in ra, và sau năm 1975 đã phải bỏ dở dang không tiếp tục in ra được nữa. Ông mất năm 1988, sau một thời gian xuất gia lấy pháp danh Thích Hồng Tại, vẫn là pháp danh ông đã có từ khi là cư sĩ. Tổng cộng ông có chưa đến 30 tác phẩm Phật học trước tác và dịch thuật, nhưng sự đóng góp của ông trong giai đoạn ban sơ của nền Phật học Nam Việt khi chuyển từ chữ Hán sang sử dụng chữ Quốc ngữ đã tạo ra được ảnh hưởng rất lớn lao, tạo tiền đề cho nhiều nhà Phật học chuyên sâu sau này có thể tiếp tục bồi đắp. Nhằm tưởng nhớ và ghi nhận công lao đóng góp của Học giả Đoàn Trung Còn, Nhà xuất bản Liên Phật Hội (United Buddhist Publisher) quyết định thực hiện một dự án phục chế các sách cũ của ông bằng phương thức ảnh ấn, tức là sao chụp và in lại nguyên vẹn như hình thức trước đây. Đây là một công trình đòi hỏi nhiều công sức cũng như chi phí, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng trong phạm vi khả năng có thể được để có thể lưu lại được một số những dấu ấn quan trọng trong thời gian ban sơ của nền Phật học nước nhà, giúp người đi sau sẽ biết được và không quên đi những đóng góp của người đi trước.
Book Details
- Country: US
- Published: 2022-09-23
- Publisher: Lulu.com
- Language: vi
- Pages: 38
- Available Formats:
- Reading Modes: